Tay chân miệng: Những điều cần biết và cách phòng tránh

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường gặp ở trẻ, dễ để lại nhiều biến chứng. Khi trẻ bị tay chân miệng bao lâu thì khỏi và dấu hiệu nhận biết trẻ khỏi bệnh là gì?

1. Tay chân miệng là bệnh gì?

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virus đường ruột gây ra, dễ xảy ra ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, do hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn thiện. Bệnh truyền nhiễm này vẫn có thể xảy ra ở lứa tuổi thanh thiếu niên và người trưởng thành.

Phần lớn trẻ mắc tay chân miệng sẽ tự khỏi bệnh sau khoảng 7 – 10 ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp có kèm theo các biểu hiện bất thường, nếu không được điều trị phù hợp sẽ có nguy cơ diễn tiến nặng, để lại nhiều di chứng như bại liệt, viêm màng não và thậm chí có thể tử vong.

Do khí hậu nóng ẩm, bệnh có thể xảy ra quanh năm, thời điểm dịch bùng phát bệnh phát là tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 12. Môi trường nguy cơ cao lây truyền tay chân miệng nhất là nhà trẻ, khu vui chơi trẻ em, công viên…

Tác nhân gây bệnh tay chân miệng bao gồm coxsackievirus (phổ biến nhất là chủng A16) và virus Enterovirus 71. Virus gây bệnh tay chân miệng lây lan trực tiếp người sang người, chủ yếu thông qua tiếp xúc với người bệnh hoặc người mang virus, bao gồm:

  • Tiếp xúc với dịch từ mụn nước bị vỡ;
  • Tiếp xúc với phân của người nhiễm bệnh;
  • Tiếp xúc với nước bọt hoặc nước mũi sau khi người bệnh ho hoặc hắt hơi;
  • Tiếp xúc trực tiếp với tay chưa rửa sạch hoặc qua các bề mặt mà người bệnh đã từng tiếp xúc trong thời gian ngắn.

2. Các giai đoạn phát triển và dấu hiệu của bệnh tay chân miệng

  • Giai đoạn ủ bệnh:Virus gây bệnh tay chân miệng có thể ủ bệnh trong khoảng 3-7 ngày mà không gây ra bất kỳ triệu chứng nào;
  • Giai đoạn khởi phát: Kéo dài khoảng 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, trẻ biếng ăn kèm mệt mỏi hơn bình thường, một số bé có thể tiêu chảy;
  • Giai đoạn toàn phát: Kéo dài từ 3-10 ngày với những biểu hiện điển hình của tay chân miệng như:
    • Loét miệng: Niêm mạc xuất hiện các vết loét đỏ, có thể kèm theo phỏng nước đường kính khoảng 2-3mm. Vết loét có thể bội nhiễm gây đau và dẫn đến việc trẻ bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt;
    • Tổn thương ngoài da điển hình là các nốt phát ban dạng phỏng nước ở các vị trí như lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Các tổn thương này tồn tại tại dưới 7 ngày, khi lành để lại vết thâm và hiếm khi bội nhiễm;
    • Sốt nhẹ: Những trẻ sốt cao gợi ý có thể có các biến chứng của tay chân miệng;
    • Giai đoạn toàn phát ở một số trường hợp có thể kèm theo biểu hiện của các biến chứng nguy hiểm như thần kinh, tuần hoàn hoặc hô hấp;
  • Giai đoạn lui bệnh: Kéo dài 3-5 ngày, tổng trạng bé tốt lên, các triệu chứng hồi phục hoàn toàn và không để lại biến chứng.

Tương ứng với 4 giai đoạn của bệnh, tay chân miệng sẽ được phân chia thành 4 cấp độ từ nhẹ đến nặng như sau:

  • Tay chân miệng độ 1: Là thể bệnh nhẹ nhất với biểu hiện chỉ bao gồm loét miệng và/hoặc tổn thương trên da;
  • Tay chân miệng độ 2a: Trẻ ngoài loét miệng và tổn thương da sẽ kèm theo một trong các dấu hiệu như: giật mình dưới 2 lần trong 30 phút và không ghi nhận lúc khám hoặc sốt cao trên 39 độ C, sốt kéo dài trên 2 ngày, nôn ói nhiều lần, thay đổi tri giác lừ đừ hoặc quấy khóc vô cớ;
  • Tay chân miệng từ độ 2b đến độ 3, độ 4: Những cấp độ tay chân miệng này thường nặng hơn, có thể xuất hiện các biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

3. Cần làm gì khi bé bị tay chân miệng?

Bệnh chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu. Nguyên tắc điều trị tay chân miệng hiện nay chủ yếu là điều trị triệu chứng, nâng đỡ thể trạng, dự phòng và điều trị các biến chứng (đặc biệt là biến chứng suy tuần hoàn, hô hấp).

Các biện pháp giảm triệu chứng tay chân miệng cho bé bao gồm:

  • Sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt phù hợp;
  • Súc miệng trẻ bằng nước muối ấm pha loãng;
  • Cố gắng dành thời gian cho trẻ nghỉ ngơi và chú ý bổ sung nhiều nước;
  • Chế độ ăn ưu tiên thức ăn mềm để dễ nuốt, tránh đồ cay nóng, chua, mặn… để tránh loét miệng trầm trọng hơn;
  • Tránh sử dụng chung vật dụng cá nhân với người bệnh, đồng thời cách ly tạm thời trẻ nhiễm bệnh để tránh lây lan;
  • Khi có những dấu hiệu bất thường thì phụ huynh cần nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp giờ, tránh trường hợp nguy hiểm đến sức khỏe trẻ.

4.Phòng tránh bệnh tay chân miệng như thế nào?

Tay chân miệng đến nay vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh. Vì vậy, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây lan virus trong cộng đồng là vô cùng cần thiết:

  • Thường xuyên vệ sinh cá nhân và luôn rửa tay bằng xà phòng,đặc biệt sau khi thay quần áo, tã lót hoặc tiếp xúc với phân, nước bọt, phỏng nước của người bệnh;
  • Thực hiện tốt vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt, ăn chín, uống sôi, vật dụng ăn uống cần rửa sạch trước khi sử dụng;
  • Người lớn không được mớm thức ăn từ miệng cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc hoặc để trẻ mút tay hay ngậm đồ chơi;
  • Không sử dụng chung đồ dùng các nhân của người khác khi chưa được khử trùng;
  • Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ đồ chơi, vật dụng, sàn nhà đối với gia đình có trẻ nhỏ;
  • Tuyệt đối không cho trẻ tiếp xúc bệnh nhân hoặc người có dấu hiệu mắc bệnh tay chân miệng.

Lưu ý, sau giai đoạn toàn phát nếu trẻ vẫn chưa có dấu hiệu khỏi bệnh, các triệu chứng không có biểu hiện hồi phục cần nhanh chóng đưa trẻ đến viện để được các bác sĩ hỗ trợ.

Khi có nhu cầu hay bất kỳ thắc mắc nào về thăm khám sức khoẻ, khách hàng liên hệ qua số hotline 1900 886 886 để được tư vấn.

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA TOMEC

Trực thuộc CTCP Bệnh viện Đa khoa Quốc tế TOMEC

Địa chỉ: 38 Lê Văn Hưu, P. Phạm Đình Hổ, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội

Hotline: 1900 886 886

Phản ánh chất lượng dịch vụ: 086 993 6688

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Hotline: 1900886886
Đặt lịch khám