Viêm xoang là một trong những căn bệnh phổ biến tại Việt Nam. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể phải chung sống với viêm xoang cả đời.
1. Viêm xoang là gì?
Xoang là những hốc rỗng nằm bên trong khối xương sọ – mặt, chứa đầy không khí. Viêm xoang có 4 loại: xoang trán, xoang sàng, xoang hàm trên và xoang bướm. Các xoang được lót bởi một lớp niêm mạc.
Viêm xoang là tình trạng nhiễm trùng lớp màng niêm mạc lót trong lòng các xoang dẫn tới phù nề, làm hẹp đường kính các lỗ thông xoang gây ứ đọng dịch trong xoang, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây tình trạng nhiễm trùng. Nguyên nhân gây viêm xoang có thể do các tác nhân nhiễm trùng (vi khuẩn, virus…) hoặc do dị ứng…
Có 2 loại viêm xoang là cấp tính và mạn tính. Viêm xoang cấp tính thường điều trị nội khoa, viêm xoang mạn tính thường phải điều trị nội – ngoại khoa.
2. Viêm xoang được hình thành như thế nào?
Viêm xoang hình thành là do bị nhiễm trùng trong một khoảng thời gian nhất định gây ra bởi nhiều tác nhân khác nhau. Trong đó, một số nguyên nhân phổ biến như sau:
- Virus: triệu chứng thường kéo dài < 10 ngày.
- Vi khuẩn: có thể nguyên phát hoặc thứ phát sau nhiễm virus.
- Nấm.
- Dị ứng: Viêm mũi dị ứng.
- Bất thường cấu trúc mũi xoang: chấn thương hoặc bất thường bẩm sinh( mào vách ngăn, gai vách ngăn, lệch vách ngăn..)
Khi gặp các tác nhân gây viêm, gây xuất tiết dịch, niêm mạc trong xoang phù nề, xung huyết, làm bít tắc, ứ đọng dịch trong xoang, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và hình thành mủ.
3. Triệu chứng nhận biết viêm xoang
Triệu chứng nhận biết viêm xoang bao gồm:
- Nghẹt mũi: Người bệnh có thể bị nghẹt mũi ở một hoặc cả hai bên, kết hợp khó thở và mệt mỏi.
- Đau nhức mặt: Viêm xoang gây ra tình trạng đau nhức do lỗ thông xoang bị bít tắc làm tăng áp lực trong xoang gây tình trạng đau nhức mặt. Nếu người bị viêm xoang hàm sẽ cảm thấy đau nhức ở vùng má, viêm xoang trán thì đau nhức khu vực ở giữa 2 lông mày, đau nhức ở giữa 2 mắt là viêm xoang sàng trước, đau nhức ở vùng gáy là viêm xoang sàng sau hoặc xoang bướm.
- Chảy dịch: Dịch nhầy sẽ chảy ra cửa mũi trước hoặc xuống họng tùy thuộc vào vị trí xoang bị viêm. Dịch chảy ra có thể có màu trắng, đục, vàng nhạt, xanh, tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh.
- Giảm hoặc mất ngửi: Xoang bị viêm nặng có thể gây phù nề nhiều, không còn phân biệt được mùi khi ngửi do tổn thương thần kinh khứu giác.
Một số triệu chứng khác của viêm xoang bao gồm: Đau đầu, sốt nhẹ hoặc sốt cao, chóng mặt, ho, hôi miệng, đau răng, mệt mỏi…
4. Điều trị viêm xoang hiệu quả bằng cách nào?
- Điều trị nội khoa: Kết hợp sử dụng thuốc kháng sinh, chống viêm, giảm đau, sử dụng khí dung, rửa mũi v…v….
- Phẫu thuật: Người bệnh được chỉ định phẫu thuật trong các trường hợp polyp mũi xoang, viêm xoang mạn tính không đáp ứng với điều trị nội khoa, bất thường cấu trúc mũi xoang gây cản trở dẫn lưu xoang( lệch vách ngăn, xoang hơi cuốn mũi…), viêm xoang có xuất hiện các biến chứng tại các cơ quan khác (mắt, não…), có dị vật trong xoang, khối u trong xoang, viêm xoang mủ mạn tính…
5. Biến chứng viêm xoang
- Biến chứng tại chỗ: Viêm mũi xoang mạn tính.( Viêm mũi xoang cấp tính không điều trị hoặc điều trị không triệt để, kéo dài >12 tuần sẽ trở thành viêm mũi xoang mạn tính).
- Biến chứng tại mắt: Một số biến chứng thường gặp tại mắt bao gồm: Viêm mô tế bào quanh mắt, viêm tổ chức hốc mắt, viêm thị thần kinh hậu nhãn cầu..
- Biến chứng nội sọ: bao gồm các biến chứng như: viêm màng não, áp xe não, viêm tắc xoang tĩnh mạch xoang hang, thường do viêm xoang trán cấp tính.
- Biến chứng kế cận: Viêm tai giữa, viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản, viêm phế quản…
6. Phòng ngừa viêm xoang
Một số điểm lưu ý trong phòng ngừa bệnh viêm xoang bao gồm:
- Đeo khẩu trang trước khi tiếp xúc với môi trường sống ô nhiễm như bụi bặm trên đường, công việc tiếp xúc với chất độc hại, gây dị ứng.
- Duy trì môi trường xung quanh luôn sạch sẽ, tránh xa khói bụi, chất thải.
- Không nên xoa lên mũi các sản phẩm có chứa tinh dầu hồi, quế mỗi khi bị tắc nghẹt mũi.
- Tránh tiếp xúc với phấn hoa, nấm mốc, nước hoa, thức ăn lạ, nhiều gia vị với những người nhạy cảm, thường xuyên bị dị ứng.
- Tránh để nước vào tai và mũi, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây tổn thương các cơ quan bên trong, trong đó có các xoang.
- Vật dụng cá nhân như: Khăn mặt, bàn chải đánh răng cần tách biệt, đặc biệt đối với người bị viêm xoang.
- Nếu có những triệu chứng như hắt hơi, chảy nước mũi, tắc mũi, cần được chuẩn đoán và chữa dứt điểm ngay từ ban đầu. Tránh trường hợp để lâu dẫn đến biến chứng viêm xoang.
Trên đây là một số thông tin về các bệnh thường gặp ở mắt. Nếu bạn có bất kỳ lo lắng nào về sức khỏe của bản thân, hãy liên hệ đến hotline 1900 886 886 để được các chuyên gia của TOMEC hỗ trợ và tư vấn. Tùy vào cơ địa của mỗi người, mức độ nghiêm trọng của bệnh sẽ không giống nhau. Vì vậy, việc thảo luận và thăm khám với các chuyên gia y tế là cách tốt nhất bảo vệ sức khỏe của chính mình.
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA TOMEC
Trực thuộc CTCP Bệnh viện Đa khoa Quốc tế TOMEC Địa chỉ: 38 Lê Văn Hưu, P. Phạm Đình Hổ, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội Hotline: 1900 886 886 Phản ánh chất lượng dịch vụ: 086 993 6688 |