Cao răng là các mảng bám trên răng đã bị vôi hóa bởi hợp chất muối vô cơ trong nước bọt. Nhiều người gặp phải hiện tượng ê buốt, khó chịu sau khi lấy cao răng. Vậy nguyên nhân gây ê buốt sau khi lấy cao răng là gì?
Cao răng là gì?
Cao răng (hay còn gọi là vôi răng) là những mảng bám tích tụ và bị vôi hóa bởi các hợp chất muối vô cơ trong nước bọt, lâu dần chúng trở nên cứng và bám chắc lên trên bề mặt của răng hoặc dưới lợi.
Cao răng rất dễ nhận biết, chúng là lớp màu trắng đục hoặc nâu sậm bám trên bề mặt cổ răng hay dưới lợi. Nhiều người vệ sinh răng tốt những vẫn có cao bám và tập trung chủ yếu ở các lỗ tuyến nước bọt như mang tai, dưới hàm.
Tác hại của cao răng
Tích tụ cao răng quá nhiều có thể gây ra những tác hại bao gồm:
- Trên bề mặt cao răng chứa rất nhiều vi khuẩn có hại. Vi khuẩn trong cao răng tích tụ và lên men đường trong thức ăn, tạo ra acid phá hủy răng và gây sâu răng, viêm lợi, viêm quanh răng, nặng hơn là gây lung lay thậm chí mất răng.
- Cao răng bám trên bề mặt răng gây mất thẩm mỹ, hôi miệng và cản trở việc vệ sinh răng miệng.
- Cao răng tích tụ nhiều vi khuẩn có hại và những vi khuẩn này có thể xâm nhập vào các bộ phận khác, gây ra những bệnh nhiễm trùng như viêm niêm mạc miệng, lở miệng, viêm họng, viêm amidan hay thậm chí là viêm nội tâm mạc.
Do những tác hại trên của cao răng nên bác sĩ nha khoa thường khuyến cáo lấy cao răng định kỳ khoảng 6 tháng 1 lần. Với những người dễ tích tụ cao răng như người hút thuốc, người có bệnh toàn thân nguy hiểm như viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn thì nên lấy cao răng khoảng 3 – 4 tháng 1 lần để đảm bảo sức khỏe răng miệng.
Lý do lấy cao răng về bị ê buốt?
Lấy cao răng là một thủ thuật đơn giản, thường không gây đau nhức và ít biến chứng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nhiều người vẫn cảm thấy ê buốt sau khi cạo vôi răng. Một số nguyên nhân thường dẫn đến ê buốt khi lấy cao răng, bao gồm:
- Do bản thân bạn đang mắc các bệnh răng miệng như viêm nướu, viêm nha chu, nền răng yếu, men răng bị mòn.
- Kỹ thuật lấy cao răng của nha sĩ chưa tốt: Cạo vôi răng là phương pháp dùng đầu máy siêu âm tác động một lực vừa phải lên thân răng và làm bong mảng bám răng. Khi thao tác lấy cao răng quá mạnh sẽ khiến mô mềm và men răng bị tổn thương, đồng thời khiến hệ thống dây thần kinh bị ảnh hưởng gây ra hiện tượng đau nhức, ê buốt răng.
- Cao răng quá nhiều: Khi cao răng quá nhiều và lan sâu xuống nướu, bác sĩ sẽ phải tác động tới nướu – một mô mềm nhạy cảm ở khoang miệng. Đó là lý do tại sao cạo vôi răng bị ê buốt.
3. Chữa ê buốt răng sau khi lấy cao răng như thế nào?
Cảm giác ê buốt có thể xuất hiện trong và sau khi lấy cao răng, nhưng thường biến mất sau một vài giờ. Nếu như hiện tượng ê buốt kéo dài thì bạn nên đến gặp nha sĩ để thăm khám. Để giảm bớt hiện tượng ê buốt sau khi cạo vôi răng, bạn có thể áp dụng những biện pháp như sau:
Chế độ ăn uống khoa học, hợp lý:
- Để hạn chế tối đa tình trạng ê buốt răng sau khi lấy cao răng, bạn nên tránh ăn những đồ quá lạnh hoặc quá nóng, hạn chế những đồ ăn cay, nóng; nên ăn những đồ ăn mềm và loãng như cháo, ngũ cốc, nước ép trái cây…
- Không uống nước có gas để tránh làm hại men răng.
- Không nên ăn uống các loại thực phẩm có màu như cà phê, trà, sôcôla, thuốc lá, cà ri,… vì dễ làm răng bị ố vàng trở lại nhanh hơn.
Vệ sinh răng đúng cách
- Đánh răng với bàn chải lông mềm và kem đánh răng có hàm lượng fluor thích hợp.
- Nên sử dụng các loại kem đánh răng có chứa khoáng chất HAP để trám ống ngà hở và giúp giảm cảm giác ê buốt, giúp nướu khỏe mạnh, ngăn ngừa nguy cơ tụt nướu.
- Súc miệng bằng nước muối pha loãng hoặc nước muối sinh lý 2 – 3 lần trong ngày để giảm ê buốt răng. Cũng nên lưu ý một điều là khi pha nước muối chỉ nên pha ở nồng độ 0,9% chứ không được pha quá mặn vì dễ gây kích ứng nướu, ê buốt và đau nhức răng nhiều hơn.
Lựa chọn các cơ sở nha khoa uy tín để thực hiện các thủ thuật như lấy cao răng, nhổ răng, trám răng,…
Cao răng có thể hình thành do nhiều nguyên nhân như thói quen ăn uống đồ ngọt; vệ sinh răng miệng không đúng cách; không lấy cao răng định kỳ, không điều trị dứt điểm các bệnh lý răng miệng. Ngay cả khi vệ sinh răng miệng đúng cách thì cao răng vẫn hình thành do vẫn bỏ sót một số mảng bám. Do đó, mỗi năm nên lấy cao răng ít nhất 1 – 2 lần/năm để đảm răng luôn chắc khỏe, trắng sáng.
Khi có nhu cầu hay bất kỳ thắc mắc nào về thăm khám sức khoẻ, khách hàng liên hệ qua số hotline 1900 886 886 để được tư vấn.
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA TOMEC
Trực thuộc CTCP Bệnh viện Đa khoa Quốc tế TOMEC Địa chỉ: 38 Lê Văn Hưu, P. Phạm Đình Hổ, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội Hotline: 1900 886 886 Phản ánh chất lượng dịch vụ: 086 993 6688 |