Dị ứng thức ăn ở trẻ: Những điều cần biết

Dị ứng thức ăn ở trẻ xảy ra do hệ thống miễn dịch của trẻ hình thành phản ứng miễn dịch với dị nguyên có trong thức ăn. Vì hệ thống miễn dịch của trẻ cần thời gian để hình thành phản ứng miễn dịch với dị nguyên có trong thức ăn nên dị ứng thức ăn ít xảy ra ở lần đầu tiên  tiếp xúc với loại thức ăn đó.

1. Dị ứng thức ăn là gì?

Dị ứng thức ăn là triệu chứng của hệ miễn dịch cơ thể phản ứng với những thành phần “lạ” có trong thực phẩm. Trong thức ăn có những protein “lạ” là những dị nguyên (allergen – là một chất có thể gây ra phản ứng dị ứng) khi hấp thu vào máu, gắn vào kháng thể IgE kích thích tế bào bạch cầu ưa kiềm và tế bào mast giải phóng các hoạt chất hóa học trung gian như histamin, serotonin… đi vào trong máu, gây ra các triệu chứng dị ứng.

Dị ứng thức ăn hay gặp hơn ở trẻ có cơ địa dị ứng (Atopy – Phản ứng miễn dịch quá mức qua trung gian IgE – kháng thể miễn dịch được tạo thành). Trẻ có cơ địa dị ứng là những trẻ thường có nồng độ kháng thể IgE (kháng thể miễn dịch được tạo thành) trong máu cao hơn bình thường, thường có bố mẹ hoặc anh chị em cũng có cơ địa dị ứng hoặc những trẻ mắc viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa, hen phế quản, mày đay dị ứng.

2. Biểu hiện của bé bị dị ứng thức ăn

Dị ứng có thể xảy ra vài phút hoặc vài giờ sau ăn. Triệu chứng dị ứng thức ăn thường gặp bao gồm:

  • Da: nổi ban đỏ ngứa quanh miệng, trong miệng hoặc ban đỏ toàn thân, phù môi, phù quanh mắt, phù mặt.
  • Tiêu hóa: buồn nôn, nôn, đau bụng, đi ngoài phân lỏng.
  • Mắt, mũi: ngứa mắt, chảy nước mắt, ngứa mũi, chảy nước mũi, ngạt mũi.

Trong trường hợp dị ứng nặng, có thể có phù thanh môn, co thắt phế quản (khó thở, thở rít), tụt huyết áp, các triệu chứng này thường xuất hiện và tiến triển nhanh, nặng gây nguy hiểm tính mạng trẻ.

Một số trẻ xuất hiện các triệu chứng muộn (vài ngày sau khi ăn thức ăn chứa dị nguyên) gồm viêm da cơ địa, đau bụng, đi ngoài phân lỏng hoặc phân nhầy máu, viêm mũi dị ứng hoặc ho dai dẳng

3. Thức ăn nào dễ gây dị ứng ở trẻ

Các thức ăn hay gây dị ứng là đậu phộng, các loại hạt quả như hạnh nhân, cá, hải sản, trứng (đặc biệt lòng trắng trứng), sữa… Dị ứng sữa là dị ứng thức ăn hay gặp nhất. Trẻ bị dị ứng sữa thường rất sớm ngay từ những tháng đầu đời. Ngoài ra còn có các loại trái cây như việt quất, bí đỏ, cà chua, khoai tây, mù tạt và các chất phụ gia dùng trong thức ăn như benzoat, salicylate, bột ngọt..

Trứng, sữa, hải sản là những thực phẩm thường gây dị ứng ở trẻ em

4. Làm gì khi trẻ bị dị ứng thức ăn?

Nguyên tắc điều trị dị ứng là phát hiện ra các dị nguyên nào là nguyên nhân gây dị ứng và tránh tiếp xúc với các dị nguyên. Từ đó phải thay đổi thói quen ăn uống và cẩn trọng hơn trong việc sử dụng thức ăn cho trẻ.

Nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa dị ứng khi bạn nghi ngờ con mình dị ứng với một loại thức ăn nào đó. Các bác sĩ sẽ thăm khám, hỏi bệnh và có thể thực hiện một số xét nghiệm chuyên khoa như làm test dị nguyên trên da của trẻ hoặc làm xét nghiệm máu – xét nghiệm dị ứng (60 dị nguyên) để xác định một cách chắc chắn thức ăn mà trẻ bị dị ứng.

Khi dị ứng thức ăn đã được khẳng định, việc điều trị cần phải được tiến hành ngay khi có thể với hai biện pháp chủ yếu:

  • Loại trừ những thực phẩm gây dị ứng ra khỏi chế độ ăn của trẻ: Loại trừ khỏi chế độ ăn của trẻ các thức ăn gây dị ứng là biện pháp có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, nhằm giảm bớt mức độ và ngăn ngừa sự tái xuất hiện của các phản ứng dị ứng.
  • Sử dụng các thuốc điều trị thích hợp cho tình trạng dị ứng: phụ huynh không nên tự ý sử dụng thuốc mà cần có sự tư vấn, thăm khám của bác sĩ chuyên khoa.

5. Phòng tránh dị ứng thức ăn cho trẻ bằng cách nào?

  • Loại bỏ thức ăn gây dị ứng đã được xác định ra khỏi khẩu phần ăn. Vì vậy trước khi đưa một loại thức ăn mới thêm vào thực đơn của trẻ cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa, đặc biệt khi có thể gặp dị ứng chéo giữa các loại thực phẩm.
  • Cần tránh khói thuốc lá và giữ nhà cửa luôn sạch sẽ thoáng mát vì khói thuốc lá và môi trường sống ô nhiễm làm cho tình trạng dị ứng của trẻ trầm trọng hơn.
  • Thay thế sữa đậu nành, các loại sữa có nguồn gốc ngũ cốc hoặc các loại sữa bò có công thức đặc biệt (đã được loại bỏ một số protein đặc biệt) nếu trẻ bị dị ứng với sữa bò.
  • Đọc ký thông tin trên thực phẩm đóng hộp hay chế biến sẵn để phát hiện ra thức ăn hay chất phụ gia đã được xác định là gây kích ứng cho trẻ.

Trên thực tế, đa phần trường hợp dị ứng thức ăn ở trẻ sẽ thay đổi sang dung nạp thức ăn khi trẻ lớn lên. Trong một số trường hợp ba mẹ nên gặp các bác sỹ chuyên khoa về Dị ứng, dinh dưỡng để được tư vấn và đánh giá cho trẻ.

Khi có nhu cầu hay bất kỳ thắc mắc nào về thăm khám sức khoẻ, khách hàng liên hệ qua số hotline 1900 886 886 để được tư vấn.

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA TOMEC

Trực thuộc CTCP Bệnh viện Đa khoa Quốc tế TOMEC

Địa chỉ: 38 Lê Văn Hưu, P. Phạm Đình Hổ, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội

Hotline: 1900 886 886

Phản ánh chất lượng dịch vụ: 086 993 6688

 

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Hotline: 1900886886
Đặt lịch khám